Theo chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, nhận thức về tiền của trẻ được hình thành trước tuổi lên 7. Vì vậy cần thiết lập cho bé những thói quen chi tiêu hợp lý ngay từ khi các em còn nhỏ, cụ thể như:
1. Cách sử dụng tiền mặt
Ngày nay các gia đình ở thành thị có xu hướng ít sử dụng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Vì thế trẻ em đang dần bị tách khỏi những khái niệm về tiền bạc và cách sử dụng chúng ra sao. Chuyên gia tâm lý khuyên, thay vì dùng thẻ ngân hàng cha mẹ hãy tăng cường sử dụng tiền mặt khi dẫn trẻ đi mua sắm, ăn uống. Qua đó hãy nói cho bé hiểu về cách cha mẹ kiếm tiền vất vả như thế nào, đồng thời hướng dẫn con cách dùng tiền hợp lý để chi trả cho những giao dịch nhỏ hàng ngày.
Ảnh: News.
|
2. Ngôn ngữ liên quan đến tiền bạc
Cách cha mẹ nói về tiền bạc sẽ hình thành nhận thức và niềm tin của trẻ về sự giàu có khi chúng lớn lên. Một trong những khác biệt lớn nhất giữa các gia đình nghèo và giàu là cách họ nói về tiền. Ở những gia đình giàu có, tiền bạc không phải là một chủ đề cấm kỵ nhưng lại được thảo luận cởi mở và chân thành. Trong khi ở những gia đình nghèo, chủ đề này thường được đưa ra để than thở nhiều hơn.
3. Cha mẹ làm gương khuyến khích con tiết kiệm
Bất kỳ vấn đề gì muốn dạy được trẻ, điều đầu tiên cha mẹ phải làm là nêugương cho chúng. Hiện nay ít phụ huynh còn giữ thói quen dành dụm tiền lẻ bằng cách nuôi heo đất hay cất vào một ngăn tủ nhỏ, đến một dịp nào đó thì "khui" ra để chi tiêu trong gia đình. Đây là một thói quen rất tốt để hướng trẻ đến khái niệm tiết kiệm. Hãy tập cho trẻ thói quen dành dụm tiền lẻ vì một mục tiêu tiết kiệm cụ thể như mua xe đạp, giày, quần áo... Những mục tiêu đề ra cần đủ lớn nhưng không quá xa vời để tránh làm cho trẻ chán nản.
Cha mẹ cũng có thể tập cho trẻ thói quen tiết kiệm bằng cách gom nhặt ve chai và đồ cũ trong nhà để bán thay vì cứ quẳng hết vào sọt rác.
4. Đề ra những khoản tiền thưởng
Mỗi khi trẻ làm một việc tốt, hãy khuyến khích bằng cách cho chúng một khoản tiền nhỏ. Sau đó dạy bé bỏ tiền đó vào hộp tiết kiệm. Trẻ luôn xem đây là những đồng tiền do công sức của mình kiếm được nên chúng sẽ nhận thức được rõ ràng hơn giá trị của đồng tiền. Khi đó các em sẽ luôn cố gắng làm và tiết kiệm từng đồng một.
5. Khiến trẻ thích thú khi đề cập đến đồng tiền làm ra từ sức lao động
Trẻ sẽ học nhanh hơn khi chúng cảm thấy thú vị. Vì vậy hãy làm cho các em thích thú khi nói về tiền bạc, về cách mà cha mẹ và những bác nông dân, lao công vất vả như thế nào để có được đồng tiền. Đừng dễ dãi cho tiền trẻ theo kiểu "vứt qua cửa sổ" bởi chúng sẽ hình thành thói quen ỷ lại vì nghĩ tiền là từ trên trời rơi xuống. Nếu bạn muốn con lớn lên trở thành người biết tiết kiệm và sử dụng đồng tiền thông minh thì hãy bắt đầu dạy chúng ngay từ bây giờ.
6. Cân nhắc chi tiêu cho nhu cầu cần và muốn
Hãy nói với trẻ tiền là nguồn có hạn nên những gì cần thiết phải được ưu tiên sắm trước. Còn lại những thứ giải trí con thích như xe đồ chơi, búp bê, bánh kẹo, xem phim... phải xếp sau nhu cầu về thức ăn trong ngày hay quần áo để mặc.
7. Tập cho trẻ thói quen ghi chép khi dùng tiền
Trẻ sẽ thích thú khi nhận được một quyển sổ nhỏ trong đó chia làm 2 cột: Thu và chi. Hãy tập cho trẻ thói quen ghi chép các khoản tiền và kiểm tra hàng tuần, hàng tháng. Từ đó có cách cân đối thu chi cho hợp lý.
8. Bài học "cho và nhận"
Không nên ép trẻ cho người nghèo tất cả những gì mình đang có bởi vô hình chung sẽ làm chúng nản chí khi phải cho đi quá nhiều. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng có nhiều em bé trên thế giới không được may mắn như con, thế nên chia sẻ với người bất hạnh sẽ mang lại cho con niềm vui từ lòng nhân ái. Cuối cùng, hãy khuyến khích và cho trẻ quyền tự quyết trích ra bao nhiêu phần trăm tiền tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo.
Thi Trân
No comments:
Post a Comment